top of page
Search

(Thalassa POV #2)

MƯU CẦU ĐƯỢC LÀ CHÍNH MÌNH HAY NHỮNG ĐIỀU BÉ NHỎ DUNG DỊ CỦA CUỘC SỐNG?


(*POV: Point of View)

Hành trình xác định được những gì mình thật sự đam mê là một điều không hề dễ dàng, để tìm được hạnh phúc và là chính mình là một hành trình rải đầy những nỗi hoài nghi, sự sợ hãi, những niềm vui, sự tự do và cả nước mắt.

18 tuổi, ta đứng giữa những lựa chọn khác nhau của cuộc đời, những ngã rẽ, những sự mất phương hướng, những nỗi niềm trăn trở, những quyết định mà không ít người chúng ta phải kiên quyết mới giành được quyền quyết định. Những người trẻ tuổi được cuộc sống ban tặng cho sự nhiệt huyết không đáy, nhưng cùng lúc lại phải mang theo trong mình sự mông lung, mất định hướng trên con đường phát triển bản thân.

Để luận về sự “mất phương hướng", người ta thường cho rằng đó là một thứ có hại cho bản thân: một trạng thái gây ra sự thiếu quyết đoán. Đặc biệt, trong đại dịch, sự mông lung đó lại càng rõ nét hơn. Không giống như các đợt bùng phát vi rút khác của thế kỷ 21, chẳng hạn như SARS và MERS, chủ yếu phổ biến trong môi trường bệnh viện, COVID-19 thì lại lây lan vượt xa biên giới của các trung tâm y tế. Nỗi sợ hãi về dịch bệnh của chúng ta lớn đến mức chúng ta có sự ác cảm với mầm bệnh, đôi khi sinh ra loại cảm giác không nên có đó là sự kỳ thị và sự phân biệt đối xử đối với những người nhiễm bệnh hoặc biểu hiện các triệu chứng của COVID-19.

Một trong những đặc điểm chính của đại dịch COVID-19 này là chúng ta có thể thấy mình đang ở trong một bối cảnh không ngừng thay đổi. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng đại dịch đã gây ra những ảnh hưởng đáng kể đến tâm lý của chúng ta, đặc biệt là ảnh hưởng sinh viên đại học - những người có khả năng cao phát triển rối loạn căng thẳng sau chấn thương, lo lắng, trầm cảm, mất định hướng.

Điều làm chúng ta bị mất động lực nhất chính là khi không bao giờ đặt ra được giới hạn và không xác định được điều quan trọng đối với bản thân, và khi đó phải làm những gì mà người khác kỳ vọng ở chúng ta. Michel de Montaigne - một trong những nhà văn có ảnh hưởng nhất của thời kỳ Phục Hưng Pháp từng nói: “Một người cung thủ thiện nghệ đầu tiên cần xác định số điểm anh ta hướng đến, sau đó mới điều chỉnh bàn tay, cung, dây cung, tên bắn và cách thức chuyển động. Những lời chỉ dẫn thường đi lệch hướng vì chúng không hướng đến một hướng đi cụ thể và không có kết quả rõ ràng. Chẳng gió nào có thể đưa thuyền ra khơi nếu thuyền trưởng không có ý định căng buồm về phía trước.” Câu châm ngôn trên đại ý nói: “Nếu ta không biết mục tiêu ở đâu, ta không thể phóng tên mà vẫn hy vọng mình sẽ bắn trúng hồng tâm”. Đôi khi, những mục tiêu sống của ta bắt nguồn từ những việc vô cùng giản đơn và bé nhỏ.

Bronnie Ware là một nữ ý tá ở Australia, có hơn 10 năm làm công việc hỗ trợ tâm lý cho những bệnh nhân sắp phải xa lìa cuộc sống, cô ở bên cạnh bệnh nhân, ghi lại những chia sẻ của họ vào những ngày tháng cuối cuộc đời trong cuốn sách được xuất bản mang tên “ The five regrets of the dying". Dưới đây là năm điều hối tiếc hàng đầu của những người sắp chết, được chứng kiến bởi Ware. “Khi được hỏi về bất kì điều gì mà họ hối tiếc, các chủ đề chung được xuất hiện lặp đi lặp lại”

1. “Tôi ước gì tôi có đủ can đảm để sống một cuộc sống đúng với bản thân mình, không phải một cuộc sống mà người khác mong đợi ở tôi”. Đây là hối tiếc phổ biến nhất của tất cả mọi người. Khi mọi người nhận ra rằng cuộc đời mình đã gần kết thúc và nhìn nhận lại rõ ràng về nó, chúng ta mới nhận ra có bao nhiêu ước mơ mà đã bị bỏ lỡ, không được thực hiện. Sức khỏe mang lại sự tự do mà rất ít người nhận ra, cho đến khi họ không còn nó nữa.

2. “Tôi ước gì tôi đã không làm việc quá cật lực”. Con người thường bị guồng xoay công việc cuốn đi khiến họ bỏ lỡ tuổi trẻ của con cái và mối tương quan vợ chồng.

3. “Tôi ước gì tôi có đủ can đảm để bày tỏ cảm xúc của mình”. Nhiều người đã kìm nén cảm xúc của mình để giữ hoà khí với người khác. Kết quả là họ cố gắng sống một cuộc sống tầm thường và không bao giờ có thể trở thành người mà họ thực sự mong muốn.

4. “Tôi ước gì tôi đã giữ liên lạc với bạn bè của mình”. Theo Bronnie, thông thường người ta không nhận ra tầm quan trọng và giá trị thực sự của những người bạn cũ cho đến vài tuần trước khi chết.

5. “Ước gì tôi để bản thân mình được sống hạnh phúc hơn”. Nhiều người không nhận ra hạnh phúc là một sự lựa chọn. Họ mắc kẹt trong sự mâu thuẫn, sự mất phương hướng và thói quen cũ vì nó đưa cho họ sự “thoải mái giả tạo". Nỗi sợ hãi về sự thay đổi khiến họ giả vờ với người khác và chính bản thân họ rằng họ bằng lòng, khi sâu thẳm bên trong, họ khao khát được vui được cười đúng như họ mong muốn"

Hành trình dám hạnh phúc, dám là chính mình để không hối tiếc bất cứ điều gì chính là một sự can đảm. Vì mỗi chúng ta chỉ sống có một lần sống được là chính mình! Trên hành trình tìm ra giá trị của bản thân, bạn cũng đừng quên sống chậm lại để cảm nhận những hương vị chua, cay, mặn, ngọt mà thế giới đem lại cho mình mỗi ngày nhé. Dù cho bạn đang sống trong giai đoạn mông lung nhất của bản thân, hay trong một giai đoạn khủng hoảng của thế giới - đại dịch COVID-19 - thì xung quanh bạn vẫn còn rất nhiều đáng để trân trọng và gìn giữ.

Valeria, S, et al (2020). The Psychological and Social Impact of COVID-19: New Perspectives of Well-being. Frontiersin. Retrieved from: https://www.frontiersin.org/.../fpsyg.2020.577684/full Ami, H (2020). Inducing Fear. Ethical Theory Moral Pact. NCBI. Retrieved from: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC7363015/# Ana, L, et al (2020). Emotional, Behavioral, and Psychological Impact of the COVID-19 Pandemic. Frontiersin. Retrieved from: https://www.frontiersin.org/.../fpsyg.2020.566212/full Book: The top five regrets of the dying - Bronnie Ware




---------------------- ►Link sự kiện: https://www.ted.com/tedx/events/41334 ►Email: TEDxHUS2020@gmail.com ►Fanpage: https://www.facebook.com/TEDxHUS/ ►Contact: 0911051233 (Nguyễn Minh Sơn); 0965779996 (Nguyễn Thảo Vy

5 views0 comments

Recent Posts

See All
bottom of page